Cụ thể, khi công tác trên lưới điện trung thế, các nhóm công tác đã sử dụng đầy đủ các trang bị an toàn, phù hợp với từng công việc tại hiện trường. Đây là điểm sáng cần được biểu dương và duy trì đối với các nhân viên thực hiện công tác trên lưới điện.
Tuy nhiên, băn khoăn lớn nhất về công tác an toàn là sự chủ quan của các công nhân khi làm việc trên cao và công tác trên lưới điện hạ thế.
1. Làm việc trên cao:
Đối với sự an toàn của công nhân khi làm việc trên cao, Tổng công ty đã có biện pháp là bắt buộc dùng dây an toàn phụ để tránh té ngã trong khi trèo cao, nhưng do chủ quan khi trèo cao không dùng dây an toàn phụ dẫn đến tai nạn mà vụ tai nạn lao động ngày 22/5/2012 tại Vũng Tàu là một sự minh họa điển hình.
2. Công tác trên lưới điện hạ thế:
Công tác trên lưới điện hạ thế (như mắc dây lắp điện kế mới hoặc sửa chữa điện cho khách hàng, …) đặc biệt tại khu vực không cắt điện hay tại vị trí nguy hiểm tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến xảy ra tai nạn. Nhận thức sâu sắc về vấn đề này, Ban KTAT đã yêu cầu các đơn vị triển khai rà soát các vị trí nguy hiểm và có giải pháp từng bước khắc phục, đồng thời đưa Điều 69 của Quy trình an toàn điện vào hạng mục kiểm tra Quản lý an toàn - vệ sinh lao động tại đơn vị.
Việc phòng chống tai nạn lao động (TNLĐ) đã được lãnh đạo các cấp của EVN SPC quan tâm và đề ra nhiều biện pháp cũng như phương tiện an toàn để giảm thiểu đến mức thấp nhất TNLĐ. Nhưng việc phòng chống TNLĐ chỉ đạt hiệu quả khi người công nhân tại cơ sở, đặc biệt là những công nhân thường xuyên làm việc trực tiếp với lưới điện ý thức được mối nguy hiểm tiềm tàng trong công tác, loại bỏ suy nghĩ chủ quan như công việc đơn giản, dễ dàng nên không kiểm tra kỹ hiện trường làm việc sẽ dẫn đến TNLĐ khi gặp các tình huống bất thường. Mặt khác, người công nhân cũng cần biết và triệt để chấp hành quy định khi làm việc trên lưới điện hạ áp đang có điện phải tuân thủ Điều 69 của Quy trình an toàn điện, đặc biệt là khoản 4 Điều 69. Cụ thể:
“Khi làm việc trên đường dây hạ áp có điện hoặc tiếp xúc trực tiếp với phần có điện hạ áp trong trạm điện, phải thực hiện những quy định sau đây:
Dùng dụng cụ cách điện có tay cầm chắc chắn và đảm bảo an toàn;
Đi giày (ủng) cách điện hoặc đứng trên thảm cách điện;
Nếu người làm việc cách phần có điện dưới 30cm thì phả dùng tấm cách điện bằng bìa cách điện mi-ca, ny-lông hoặc ba-kê-lít để che, chắn.
Nếu đơn vị công tác không thực hiện đủ các điều kiện nêu trên "thì phải cắt điện mới được phép tiến hành công việc”.
Để ngăn ngừa tai nạn lao động khi làm việc trên lưới điện trung, hạ áp, người quản lý cần phải nhận thức đúng đắn và nghiêm túc về công tác an toàn bảo hộ lao động và thực hiện công tác này đúng thực chất, tránh triển khai một cách hời hợt, chiếu lệ và nhất là phải quán triệt cho các anh em công nhân không được có tư tưởng chủ quan, xem thường khi công tác trên lưới điện hạ thế. Mặt khác, đối với người lao động luôn luôn tâm niệm việc chấp hành nghiêm túc các biện pháp là vì an toàn cho người và thiết bị trên lưới điện, nhưng trên hết vì sự an toàn cho chính bản thân mình, vì hạnh phúc của chính mình, của gia đình và người thân./.