Theo dự báo, ngành công nghiệp hydro và thị trường hydro toàn cầu, trong đó có Việt Nam sẽ phát triển nhanh trong giai đoạn sau năm 2030. Theo số liệu đánh giá tiềm năng lý thuyết và kỹ thuật của Ngân hàngThế giới (WB) thì tiềm năng ĐGNK của Việt Nam rất lớn (lên tới 475 GW), lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Còn theo số liệu của dự thảo Quy hoạch điện VIII là 207 GW.
Phát triển ĐGNK có ý nghĩa lớn đối với Việt Nam, vì có thể kết hợp các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, xã hội, an ninh năng lượng, công nghiệp hóa với phát thải carbon thấp hướng đến mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, công suất điện gió ngoài khơi đạt 7 GW và chiếm 4,8% trong tổng công suất nguồn điện đến năm 2030 và đạt 66,5 GW vào năm 2045.
Hiện nay, PVN cũng có nhiều thuận lợi để triển khai phát triển ĐGNK (có tiềm lực tài chính tốt, khả năng thu xếp vốn thuận lợi, với hệ số tín nhiệm cao, có khả năng tiếp cận với các nguồn tài chính xanh, vốn vay lãi suất thấp, thời gian ân hạn dài, cũng như các ưu đãi khác của Chính phủ và các tổ chức tài chính quốc tế ủng hộ phát triển năng lượng xanh, sạch).
Mặt khác, Tập đoàn và các đơn vị thành viên có thể phát huy lợi thế về kinh nghiệm và nguồn nhân lực sẵn có trong thiết kế, chế tạo, vận hành công trình biển để tham gia vào chuỗi cung ứng, phát triển các dự án ĐGNK, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa thiết bị, giảm giá thành sản xuất điện nhằm tạo tiền đề để phát triển năng lượng hydro trong tương lai.
Hiện tại, PVN có sẵn cơ sở hạ tầng, cũng như kinh nghiệm vận hành để có thể áp dụng trong toàn bộ chuỗi giá trị (từ khâu sản xuất, đến vận chuyển, tồn trữ, sử dụng hydro).
Báo cáo tham luận về 'điện gió ngoài khơi - cơ hội và thách thức để phát triển cùng chuỗi giá trị PVN' của Ban Điện và Năng lượng Tái tạo PVN đã phân tích, làm rõ về thị trường ĐGNK trong khu vực và trên thế giới, cấu tạo của một dự án ĐGNK. Đánh giá cụ thể về năng lực của PVN trong lĩnh vực ĐGNK, cũng như đề xuất một số giải pháp, kiến nghị về lộ trình, định hướng dự kiến về lĩnh vực này nếu PVN được phép triển khai.
Nhận định về những khó khăn, thách thức trong phát triển gió ngoài khơi và hydro ở Việt Nam, ý kiến các tham luận cho rằng: Bên cạnh khó khăn về đề đấu nối là vấn đề giải phóng mặt bằng, quy hoạch không gian biển hiện chưa đồng bộ, thời gian cấp phép đầu tư kéo dài...
Phát biểu thảo luận, các đại biểu đã làm rõ các ý kiến xung quanh vấn đề triển khai các dự án ĐGNK và sản xuất hydro từ ĐGNK. Khẳng định: PVN có đủ tiềm lực, khả năng, lợi thế để triển các dự án ĐGNK, cũng như tham gia vào các dự án năng lượng tái tạo trong tương lai tới.
Kết luận hội thảo, ông Hoàng Quốc Vượng - Chủ tịch HĐTV cho biết: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong buổi làm việc với PVN ngày 11/9 vừa qua đã chỉ đạo: Với vai trò là Tập đoàn kinh tế, năng lượng hàng đầu của đất nước, PVN phải giữ vai trò tiên phong, dẫn dắt trong ngành công nghiệp năng lượng tái tạo.
Trên thực tế, PVN đang có tiềm năng, thế mạnh, có năng lực sản xuất thiết bị, có kinh nghiệm hoạt động trên biển, do đó, cần phải chủ động xây dựng chiến lược, lộ trình phát triển lĩnh vực ĐGNK và hydro một cách kịp thời, phù hợp, hiệu quả. Đồng thời, đẩy nhanh tốc độ triển khai các dự án, sẵn sàng làm chủ công nghệ để thu hẹp khoảng cách với các doanh nghiệp trên thế giới.
Ngoài ra, Tập đoàn và các đơn vị thành viên, bên cạnh việc xây dựng kế hoạch, lộ trình, chiến lược phát triển, cần tập trung nâng cao năng lực quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, tích lũy kinh nghiệm, phát triển nguồn nhân lực để chủ động nắm bắt những biến đổi, tận dụng cơ hội để đưa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giữ vị trí tiên phong trong ngành công nghiệp năng lượng tái tạo nói chung, cũng như điện gió ngoài khơi nói riêng./.
BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM